Bài viết này lấy cảm hứng từ cuốn The Next Five Moves và kinh nghiệm cá nhân của mình.
Ảnh: Akson
1. Networking là gì, và tại sao nó quan trọng?
Theo định nghĩa của Vietnamworks:
“Network tức là một mạng lưới mối quan hệ, networking là kỹ năng thiết lập và tạo dựng mối quan hệ.”
Với riêng mình, networking không chỉ là kết nối, quen biết với nhiều người mà quan trọng nhất của networking chính là chọn và thu hút những người phù hợp để cùng nhau xây dựng giá trị và phát triển. Nếu sống mà không có bất kỳ mối quan hệ nào, chắc chắn mình sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội học hỏi, phát triển.
Vì dẫu sao thì những vòng tròn quan hệ luôn xuất hiện xung quanh ta: ở nhà ta có gia đình, họ hàng. Lớn lên xíu thì ta sẽ có bạn bè, thầy cô và sau này khi đi làm sẽ là đồng nghiệp, đối tác.
Khi còn nhỏ, mình thấy hầu hết chúng ta sẽ thụ động tiếp nhận mối quan hệ. Nhưng khi trưởng thành rồi, nếu muốn phát triển theo hướng tốt, ta cần chủ động chọn lựa những người bạn, người thầy đồng hành để cùng tiến bộ.
2. Cách để kết nối và xây dựng mối quan hệ lâu dài
Trước hết, muốn kết nối, ta cần hiểu rõ giá trị của bản thân.
Trong The Next Five Moves, tác giả Patrick Bet-David đưa ra cách xây dựng đội ngũ cho lãnh đạo. Điều này cũng có thể áp dụng cho networking cá nhân. Mình có thể tập hỏi bản thân những câu này để xác định những giá trị mà mình có.
Bạn đang đem lại lợi ích gì cho người khác?
Người khác có cơ hội cải thiện bản thân như thế nào khi ở bên bạn?
Bạn đã đem lại sự thay đổi tích cực cho bao nhiêu người trong năm qua?
Mình thấy những người giỏi ( những người đang tập trung phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp, theo đuổi mục tiêu cá nhân) đều rất bận rộn. Họ sẽ chỉ kết nối thêm những mối quan hệ mới nếu thấy mối quan hệ đó mang lại giá trị.
Vì vậy, khi ngồi tổng hợp lại quá trình đi network với các anh chị lớn hoặc đi network với các bạn sinh viên ở dự án cũ mình tham gia, mình rút ra được mấy nguyên tắc này.
Quá trình network như đã nói ở trên sẽ chia ra làm 2 phần: kết nối và xây dựng mối quan hệ.
Nguyên tắc khi kết nối:
Luôn research trước khi gặp ai đó: Tìm hiểu về công việc, dự án, mối quan tâm của họ để có cuộc trò chuyện ý nghĩa.
Cởi mở nhưng không áp đặt: Đừng đến với mindset “mình biết sẵn họ cần gì”, mà hãy chủ động học hỏi.
Xác định giá trị mình có thể mang lại: Có thể là sự lắng nghe, sự đồng cảm, kiến thức chuyên môn hoặc kết nối với người có thể giúp họ.
Xác định giá trị mình nhận được: Họ có thể truyền cảm hứng, có cùng chủ đề quan tâm, hoặc là người có thể hợp tác lâu dài.
Tìm điểm chung: Một mối quan hệ có điểm chung thường kéo dài hơn.
Ví dụ như ở Mở- Mơ-Hỏi, mọi người cùng học khóa viết là WOTN, cùng quan tâm tới phát triển bản thân thông qua việc viết lách, các mối quan hệ sẽ tự nhiên được duy trì và phát triển dù cho mọi người có đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau..
Cách để duy trì mối quan hệ
Sau khi kết nối, làm sao để mối quan hệ không trở thành “người lạ từng quen”? Dưới đây là một số cách:
Ghi chú lại những vấn đề mình có thể thảo luận với họ trong tương lai.
Cập nhật tiến bộ cá nhân: Nếu đã nhận lời khuyên từ họ, hãy chia sẻ xem bạn đã áp dụng ra sao.
Trau dồi giá trị bản thân: Nếu không thể giúp họ ngay lúc này, hãy trau dồi bản thân để có thể giúp họ hoặc kết nối với người có thể giúp.
Quan tâm đến mối bận tâm chung.
Luôn cảm ơn.
Nhân dịp đặc biệt (sinh nhật, Tết) gửi lời chúc để duy trì kết nối.
3. Ví dụ thực tế
Mình biết một người bạn networking rất giỏi tên Nam. Mình biết Nam qua anh Hoàng Long (hia người học chung Fulbright), khi anh Long chia sẻ hệ thống ghi chú của Nam về chứng khoán trong lớp học Học cách Học của Mở. Sau đó, mình kết nối với Nam vì bạn ấy có nhiều nghiên cứu thị trường liên quan đến chuyên ngành Bất Động Sản của mình.
Lần khiến mình ấn tượng nhất là khi Nam tìm hiểu về một dự án liên quan đến định giá tài sản. Bạn ấy nhắn mình:
"Hey, tui có một dự án và thấy bà học BDS nên cần nhờ giúp. Tui cần tài liệu về ngành, bà giúp tui thành công tui sẽ gợi ý cho bà mấy mã cổ phiếu để ăn Tết."
Mình không giúp được gì nhiều và cũng không nhận được mã cổ phiếu nào (đương nhiên!). Nhưng điều mình nhận được lớn hơn rất nhiều – đó là lý do tại sao mình rất nể Nam và muốn duy trì kết nối:
Nam là người giỏi thực sự: Bạn hiểu rõ lĩnh vực mình theo đuổi, tự nghiên cứu, học hỏi, tham gia cuộc thi và có tư duy sắc bén.( giang hồ hay bảo là hơn mình cả mấy cái đầu)
Chúng mình có chung mối quan tâm: Cả hai đều theo đuổi tài chính và bất động sản tại thời điểm đó.
Nam luôn đưa ra lời đề xuất rõ ràng và có giá trị: Khi nhờ giúp đỡ, bạn không chỉ yêu cầu mà còn kèm theo một lợi ích cụ thể.
Anh Long từng nói trong lớp rằng anh rất nể Nam, và khi tiếp xúc, mình cũng có cảm giác tương tự. Thậm chí, mình đã nghĩ rằng nếu tương lai đầu tư, nhất định phải liên hệ Nam để tư vấn.
Lưu ý quan trọng:
Nếu cảm thấy hướng đi của ai đó không phù hợp với mình, hãy thẳng thắn trao đổi với họ nhưng vẫn luôn nhớ biết ơn vì họ đã dành thời gian cho mình.
Đừng kết nối chỉ vì người đó giỏi – nếu không có mối quan tâm chung hoặc giá trị có thể trao đổi, mối quan hệ sẽ khó duy trì thậm chí là khó để kết nối.
4. Kết luận
Networking không phải là gặp càng nhiều người càng tốt, mà là tạo dựng những kết nối thực sự có ý nghĩa. Hãy nhớ rằng một mối quan hệ bền vững đến từ việc cả hai bên đều nhận được giá trị.
Bài này tổng kết từ những sai lầm của mình khi xây dựng mối quan hệ với người khác, mình cũng từng cư xử không tốt, mất kết nối với người từng ủng hộ mình, hoặc không biết giao tiếp thế nào khi cảm thấy mối quan hệ không còn cùng mối bận tâm dù người ấy từng giúp đỡ mình rất nhiều.
Hy vọng bài viết này hữu ích cho bạn, những người đang bắt đầu trên con đường xây dựng sự nghiệp và muốn tìm những người đồng hành hỗ trợ mình.
Bài viết thuộc thử thách 8 tuần Viết Tiếp Sức của Alumni.
#wotnalumni #withmo
Bài cũng thuộc series thử thách Số lượng hơn chất lượng cùng em gái mình